1. Thế nào là an toàn thực phẩm ?
An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại cho sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
An toàn thực phẩm là trách nhiệm không chỉ của người sản xuất mà còn cả ý thức và sự hiểu biết của người tiêu dùng. Tại khâu sản xuất, người nông dân, ngành công nghiệp và chính phủ lo đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn từ việc lựa chọn khâu giống, trồng trọt, chăn nuôi đúng quy trình, thu hái bảo quản đúng phương pháp, chế biến, đóng gói bằng chất liệu, bao bì an toàn, ghi rõ hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vận chuyển thực phẩm đến siêu thị, cửa hàng và đến người tiêu dùng. Tại khâu sử dụng, người tiêu dùng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cách thức bảo quản, chế biến thực phẩm và nấu thức ăn đúng cách để đem lại một bữa ăn an toàn nhất cho người thân của mình.
An toàn thực phẩm |
2. Tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm?
Theo một cuộc khảo sát về quan niệm và nhận thức của người tiêu dùng đối với vệ sinh an toàn thực phẩm, 92% người được phỏng vấn nhận thức được tầm quan trọng của thực phẩm an toàn. Đối với người tiêu dùng, khi lựa chọn thực phẩm như rau, trái cây, và thịt …hai yếu tố quan trọng hạng đầu là phải “tươi” và “an toàn”. Những yếu tố có thể giúp họ đánh giá được điều đó là dựa trên nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhãn mác của nhà sản xuất có ghi rõ là thực phẩm tươi, sạch, đánh giá qua màu sắc, mùi vị của sản phẩm, sản phẩm được kiểm nghiệm bởi Bộ Y Tế hay các cơ quan chứng thực có thẩm quyền, bao bì đóng gói cẩn thận. (Nguồn: Theo kết quả điều tra nghiên cứu thị trường của công ty nghiên cứu thị trường FTA “Quan niệm và nhận thức của người tiêu dùng đối với vệ sinh an toàn thực phẩm”, tháng 3-2010,theo đơn đặt hàng của dự án FAPQDC).
Tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm |
Hàng năm, ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của hàng triệu người. Khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc, con người có thể sẽ trải qua những cơn đau tức thời, tạo nên những cảm giác khó chịu đối với cơ thể và thậm chí làm cho cơ thể kiệt quệ, có những trường hợp dẫn đến tử vong. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, mà còn kéo theo cả những thiệt hại khác như những trang trải về viện phí, mất thời gian trong công việc, giảm năng suất lao động của tập thể và chưa kể đến cả việc ảnh hưởng về tâm lý cho những người thân lo lắng về tình hình sức khỏe của người bị bệnh.
3. Mối nguy an toàn thực phẩm là gì?
Là bất kỳ các tác nhân nào mà nó làm cho sản phẩm trở thành một nguy cơ về sức khỏe không chấp nhận được cho người tiêu dùng. Có ba loại mối nguy đó là:
Mối nguy sinh học (vi khuẩn, vi rút…) gây ra các bệnh truyền qua thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, như tiêu chảy, kiết lị, tả, cấp, viêm gan,...Ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm: gây thối, nhũn, suy giảm phẩm chất,...
Mối nguy hóa học (kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, nguồn phân bón thức ăn vật nuôi và cây trồng..)
Mối nguy vật lý (mảnh kính, cành cây, kim tiêm…) có thể xảy ra tại bất kỳ công đoạn trong quá trình sản xuất, có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng
4. Những nơi nào cần quan tâm tới vệ sinh an toàn thực phẩm?
Những nơi nào cung cấp nguồn thực phẩm, đồ ăn thức uống cho con người từ trang trại, nơi đóng gói thực phẩm, cửa hàng bán thịt, rau quả, chợ cóc, nhà hàng, khách sạn, trường học, khu công nghiệp, hàng không, bếp ăn gia đình…
Nhận thức được tầm quan trọng về việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ góp phần giảm thiểu các mối nguy đối với sức khỏe con người, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu được các nguy cơ hoặc trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm gây nên. Người tiêu dùng cũng cần có thái độ kiên quyết tẩy chay đối với những nơi buôn bán những mặt hàng thường xuyên bị nhiễm độc để loại trừ một cách tối đa những cơ sở sản xuất , chế biến không theo nguyên tắc VSATTP, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức hơn nữa trong việc cung cấp thực phẩm an toàn của nhà sản xuất, của các ngành và các cấp liên quan.
Vệ sinh an toàn thực phẩm |
5. Làm thế nào để lựa chọn thực phẩm an toàn?
Lựa chọn thực phẩm an toàn người tiêu dùng nên:
- Chọn mua thực phẩm tại những cơ sở, cửa hàng được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh cụ thể của các cơ quan chức năng như cửa hàng chuyên bán rau sạch, thịt sạch, siêu thị..Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các tổ chức, cơ quan có chức năng xác nhận đảm bảo VSATTP, tem bảo chứng (nếu có) của nhà sản xuất, cung cấp hoặc kinh doanh đối với sản phẩm.
- Trong trường hợp thực phẩm được mua ở chợ, đòi hòi người tiêu dùng phải có những kiến thức nhất định về an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể lựa chọn sản phẩm an toàn, như sử dụng cảm quan đánh giá về độ tươi bằng mùi, màu sắc…
- Thường xuyên cập nhật những kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách theo dõi trên báo, đài, truyền hình, internet những tin tức về tình hình thực phẩm có hại trên thị trường và cách phòng tránh cho bản thân và cho những người xung quanh.
- Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các tổ chức, cơ quan có chức năng xác nhận đảm bảo VSATTP, đáp ứng các quy trình tem bảo chứng, logo nhận biết trên bao bì (nếu có) của nhà sản xuất, cung cấp hoặc kinh doanh đối với sản phẩm đảm bảo an toàn.
6. VietGAP là “chứng chỉ” cho thực phẩm an toàn tại Việt Nam?
VietGAP là tên gọi tắt của Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (Vietnamese Good Agricultural Practices) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất .
Những cơ sở sản xuất áp dụng quy trình và được cấp chứng chỉ VietGAP sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Chứng chỉ VietGAP giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thì trường tiêu thụ ổn định. Các cửa hàng thực phẩm, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm VietGAP sẽ góp phần nâng cao giá trị cuộc sống cho người dân.
7. VietGAP có vai trò gì trong sản xuất thực phẩm an toàn?
Viet GAP là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A đến Z của dây chuyền sản xuất. Bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ, kể cả các yếu tố liên quan như: môi trường, các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì và ngay cả điều kiện làm việc, phúc lợi của người lao động trong nông trại.
8. Thực phẩm an toàn áp dụng quy trình VietGAP có giá như thế nào?
Giá cả và giá trị của hang hóa có thể được coi luôn là mối quan tâm song hành của người tiêu dùng. Giá trị mà người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ích từ việc sử dụng những mặt hàng nông sản thực phẩm có chất lượng và an toàn để làm giảm các mối nguy đối với sức khỏe con người là không thể đo đếm được. Vì vậy, cho dù có thể sẽ phải trả thêm một phần chi phí khi sử dụng những sản phẩm này nhưng người tiêu dùng có thể yên tâm vì lợi ích về sức khỏe lại được đảm bảo.
Theo VietGAP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét